CẢNH BÁO LỪA ĐẢO KHI THAM GIA CÁC SÀN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH TRỰC TUYẾN
Vụ việc Phó Đức Nam (còn gọi TikToker Mr Pips) dụ dỗ tham gia hoạt động đầu tư trực tuyến, lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng cho thấy những mối nguy hiểm hiện hữu khi nhiều người bị sập bẫy trước hình thức lừa đảo này.
Theo đó, từ năm 2019, các đối tượng lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán. Với gần 2.000 nhân viên, đường dây lừa đảo do Mr Pips điều hành đã sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Telegram, Viber để lập ra nhiều hội nhóm đầu tư với cái tên mỹ miều như: VIP, đầu tư thông minh, chiến lược đầu tư thông minh... và giả làm các chuyên gia tài chính, 'thầy' đọc lệnh, phân tích kỹ thuật nhằm dụ dỗ, kéo nạn nhân vào bẫy giăng sẵn.
Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đã cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến các sàn đầu tư chứng khoán. Ban đầu, nhóm đối tượng dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó thúc đẩy tăng vốn giao dịch. Khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch lừa đảo không có giấy phép hoạt động rõ ràng, lợi nhuận hứa hẹn quá cao và thường yêu cầu nạp tiền liên tục. Khi người dân đầu tư bị thua lỗ, các đối tượng lừa đảo sẽ tiếp tục thuyết phục nạn nhân nạp thêm tiền để "gỡ gạc".
Ngoài sự việc gây chấn động của Mr Pips, mới đây, ngày 12/12, người phụ nữ đến từ Hà Nội cũng đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo đầu tư tiền ảo sau khi bị chiếm đoạt số tiền 9,4 tỷ đồng. Theo đó, thông qua mạng xã hội Facebook, bà T. đã kết bạn, trò chuyện với tài khoản "Nguyễn Thị Thùy Dung". Sau một thời gian, người này mời bà T. tham gia đầu tư tiền ảo thông qua website: mcprimetrusted.com Với lời quảng cáo hấp dẫn, bà T. làm theo hướng dẫn, tạo tài khoản và chuyển tiền để đầu tư và đã nạp 5 tỷ đồng để nhận 350.000 USD (tương đương 9 tỷ đồng). Khi bà T. muốn rút số tiền lãi trên, đối tượng lừa đảo yêu cầu trong vòng 5 tiếng phải đóng tiếp 20% tổng số dư tài khoản tương ứng 1,8 tỷ đồng. Đồng thời yêu cầu bà đóng 15% tiền mua bảo hiểm tiền gửi tương ứng 1,6 tỷ đồng và nộp tiếp 3% tương ứng 360 triệu đồng tiền phí để chuyển nhanh tiền về tài khoản cá nhân. Tin tưởng, bà T. tiếp tục nộp 1,2 tỷ đồng nhưng vẫn không rút được ra.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo. Tuyệt đối KHÔNG TIN TƯỞNG vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao, KHÔNG THAM GIA vào các nhóm kín hoặc cộng đồng trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa xác minh được danh tính, uy tín của tổ chức, không rõ nguồn gốc. Không vội vàng chuyển tiền cho những đối tượng hoặc tổ chức lạ khi chưa xác minh được danh tính. Trước khi tham gia bất kỳ dự án đầu tư nào, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức hoặc cá nhân mời gọi đầu tư thông qua nhiều cách khác nhau như kiểm tra giấy phép hoạt động, các đánh giá từ người dùng khác, và các chứng chỉ hợp pháp. Chỉ tải các ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng chính thức (Google Play, App Store). Không tải ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng tránh nguy cơ bị cài cắm mã độc, chiếm quyền điều khiển thiết bị dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản và đánh cắp thông tin cá nhân. Không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng cho các đối tượng không rõ danh tính dưới mọi hình thức.
Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.