lịch sử tây thành

Lịch sử xã Tây Thành

Số kí hiệu 123
Ngày ban hành 31/05/2022
Thể loại Lịch sử
Lĩnh vực Văn bản chỉ đạo điều hành
Cơ quan ban hành UBND xã Tây Thành
Người ký Nguyễn Công Triều

Nội dung

 
ĐẢNG ỦY - HĐND - UBND - UBMTTQ XÃ TÂY THÀNH



 




 
LỊCH SỬ
XÃ TÂY THÀNH
(1930 - 2015)














NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG - HÀ NỘI 2016


                                
 
BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN

TRẦN HỮU DU
Bí thư Đảng ủy - CT HĐND - Trưởng ban
ĐẶNG TRỌNG MINH
 Phó Bí thư Thường Trực Đảng ủy- Phó ban
PHAN ĐỨC THƯỜNG
 Phó Bí thư - CT UBND- Phó ban


BAN SƯU TẦM TƯ LIỆU

HOÀNG VĂN NUÔI - Trưởng ban
LÊ THỊ HUỆ - Ban viên
THÁI VĂN HUÊ - Ban viên
NGUYỄN TẤT HÁN - Ban viên







BIÊN SOẠN

TRUNG TÂM XUẤT BẢN TRUYỀN THÔNG QUỐC GIA







 
                                               LỜI NÓI ĐẦU

Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tây Thành là một phần đất thuộc tổng Vân Hội; sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Văn Du được thành lập (gồm Tây Thành, Thịnh Thành và Quang Thành ngày nay). Năm 1953, xã Văn Du được tách thành hai xã là Thịnh Thành và Quang Thành (lớn)(1). Đến năm 1999, xã Quang Thành lớn lại được tách ra thành hai xã Quang Thành và Tây Thành. Từ đây, xã Tây Thành chính thức có tên trên bản đồ hành chính. Phát huy truyền thống của xã Vân Du và xã Quang Thành trước đây, từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ và nhân dân Tây Thành luôn đoàn kết, nỗ lực thực hiện công cuộc đổi mới (1999 - 2015), xây dựng quê hương, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Mặc dù Tây Thành là xã được thành lập muộn nhưng nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” và để thực hiện Chỉ thị số 15/CT - TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 28.8.2002 cũng như Thông tri số 18/TT-TV ngày 25.3.2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An và các văn bản chỉ đạo thực hiện của Huyện ủy Yên Thành về việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương các ngành, Đảng ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tây Thành đã thành lập Ban Chỉ đạo Lịch sử xã Tây Thành (1930 - 2015) để trực tiếp chỉ đạo công tác sưu tầm tư liệu và biên soạn.
Được sự giúp đỡ của Trung tâm xuất bản truyền thông Quốc gia trong việc biên soạn, thông qua nhiều lần Hội thảo và thẩm định, cuốn sách “Lịch sử xã Tây Thành” (1930 - 2015) đã được xuất bản.
Nhân dịp phát hành cuốn sách quan trọng này, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tây Thành, chúng tôi chân thành cảm ơn sự chỉ đạo, giúp đỡ về chuyên môn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thành, sự đóng góp nhiệt tình, đầy tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ; cảm ơn sự giúp đỡ của Hội đồng gia tộc các dòng họ và nhân dân trong xã, nhất là sự làm việc với tinh thần trách nhiệm cao của Ban Chỉ đạo biên soạn.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong quá trình tổ chức bản thảo, nhưng do những khó khăn khách quan và chủ quan nên cuốn “Lịch sử xã Tây Thành (1930 - 2015) không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý, bổ sung của bạn đọc để cuốn sách ngày càng hoàn thiện hơn trong những lần tái bản.
 Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!
                                                 
                                                  BCH ĐẢNG BỘ XÃ TÂY THÀNH    
 
 



























 
CHƯƠNG I
KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI TÂY THÀNH

I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lý
Tây Thành là xã miền núi nằm về phía Tây của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm huyện lỵ Yên Thành 19 km. Ranh giới hành chính Tây Thành được phân định như sau:
+ Phía Bắc giáp xã Kỳ Tân, Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.                     
+ Phía Nam giáp xã Thịnh Thành.
+ Phía Tây giáp xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương.
+ Phía Đông giáp xã Quang Thành.
Mặc dù là xã xa trung tâm huyện nhưng nhờ nằm trên trục đường Quốc lộ 48E, giáp ranh giữa ba huyện: Đô Lương, Tân Kỳ, Yên Thành nên Tây Thành có điều kiện thuận lợi để giao lưu, trao đổi hàng hóa phát triển kinh tế - xã hội.
2. Địa hình
Địa hình Tây Thành tương đối phức tạp: vừa có núi cao vừa có đồi thoải, xen kẽ giữa đồi núi là các khe, hồ, đập và những cánh đồng hóc chọ, ruộng bậc thang.
Đồi núi của xã có độ nghiêng từ Tây bắc sang Đông nam (từ núi Khu Gàu, Rạng Đông về dãy núi Động Cục). Cao nhất là núi Khu Gàu, là ranh giới giữa xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) và xã Tây Thành. Do địa hình phức tạp, đồi núi nhiều cây cối nên trong chiến tranh, vùng đất này là chỗ đừng chân của các đơn vị bộ đội trên đường hành quân vào Nam và là nơi cất giấu lương thực, vũ khí an toàn.
Xen giữa các đồi núi là những cánh đồng: Đồng Xạ, Đồng Eo, đồng Ốc Bươu, Đồng Quan... nhân dân sử dụng trồng lúa. Một số diện tích ven chân đồi, núi dùng để trồng các loại cây hoa màu như: khoai, sắn, đậu, lạc, vừng… Trước đây, những vùng đất này có nơi bi chua phèn, lầy lội, có nơi lại khô cằn không đủ nước tưới nên năng suất cây trồng thấp. Tuy nhiên, qua nhiều năm cải tạo và sau hai lần chuyển đổi ruộng đất, đến nay ruộng đồng ở Tây Thành tương đối hoàn chỉnh; hệ thống hồ đập, mương máng được xây dựng đã đáp ứng cơ bản nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp nên nhân dân đã tự túc được lương thực. 
Với điều kiện đất đai, địa hình, khí hậu như vậy, Tây Thành có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả lâu năm như: cam, xoài, mít, bưởi… Vùng cao hơn có thể trồng các loại cây nguyên liệu và cây lấy gỗ như: keo, lim, lát  và các loại cây dược liệu khác.
3. Khí hậu
Là một xã thuộc vùng núi của huyện Yên Thành, nằm trong tiểu vùng khí hậu Bắc Trung bộ, Tây Thành chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm; mỗi năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông; số giờ nắng trung bình 1.637 giờ/năm, nhiệt độ trung bình là 23,60C, lượng mưa trung bình 1.578 mm. Trên cơ sở 3 tiêu chí: chế độ gió mùa, chế độ nhiệt và chế độ mưa, có thể phân khí hậu Tây Thành thành hai mùa:
Mùa nóng (bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10): khí hậu nóng nực, nhiệt độ trung bình từ 300C đến 350C, có ngày lên tới 400C. Mùa này chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam (thường gọi là gió Lào thổi vào từ vịnh Thái Lan) và gió Đông Nam (gió Nồm) thổi vào từ biển Đông. Gió Lào thường hoạt động từ tháng 5 đến tháng 9, mạnh nhất là vào các tháng 6, 7, thổi thành từng đợt, mỗi đợt kéo dài 4 đến 5 ngày. Gió Lào kết hợp với nắng nóng làm cho không khí trở nên oi nồng, gay gắt và thường gây ra khô hạn, nhất là thời gian trước đây, khi hệ thống thủy nông chưa có. Gió Đông Nam thổi từ biển vào mang theo nhiều hơi nước tạo không khí mát mẻ, dễ chịu và thường có sự xen kẽ giữa gió Đông Nam và gió Tây Nam; trong ngày có lúc sớm Nam, trưa Nồm. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện bão lũ do ảnh hưởng của những đợt áp thấp nhiệt đới. Bão vào kèm theo mưa to kéo dài; những đợt gió lớn, lốc xoáy gây tổn thất nặng nề cho sản xuất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Hạn hán, lũ lụt xảy ra bất thường, có năm xảy ra vào tháng 5 âm lịch, có năm vào tháng 7, tháng 8, có khi đang chống hạn mưa lũ lại ập đến…
Mùa lạnh (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau): mùa này chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, gây mưa phùn và giá rét. Ban ngày, trời đầy mây, buổi sáng thường có sương mù, sương muối. Nhiệt độ xuống thấp vào tháng 12 và tháng Giêng. Có năm nhiệt độ xuống đến 100C gây rét đậm, rét hại. Kết hợp với gió mùa Đông Bắc, thường có hiện tượng heo may gây cảm giác khô - hanh.
Nhìn chung, Tây Thành có lượng bức xạ lớn, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển. Mặt khác, do địa hình nhiều đồi núi xã có điều kiện để phát triển nền kinh tế đa dạng với nhiều loại hình: nông nghiệp, lâm nghiệp và xen kẽ là mô hình kinh tế trang trại và gia trại, nông - lâm - ngư kết hợp. Tuy nhiên, đặc điểm thời tiết này cũng tạo thuận lợi cho côn trùng, sâu bệnh sinh sôi, nẩy nở gây hại cho sản xuất cũng như những khó khăn nhất định cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày.
4. Tài nguyên
Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của Tây Thành là 2071,79 ha. Trong đó, đất sản xuất có 2056,02 ha, chiếm  99,2%, bao gồm: đất nông nghiệp và lâm nghiệp (chiếm 1.777,06 ha), đất phi nông nghiệp là 278,96 ha (chiếm 13,46%); đất chưa sử dụng còn rất ít, chỉ 15,77 ha (chiếm 0,99%)[1]. Dựa vào tính chất đất ở Tây Thành có thể chia thành 4 nhóm thổ nhưỡng chính:
- Đất thịt và đất cát nhẹ: Đây là loại đất màu mỡ, có độ phì nhiêu cao, phù hợp với sản xuất các loại cây lương thực. Nhân dân trong vùng, ngoài việc thâm canh 2 vụ lúa thì còn có thể canh tác các loại hoa màu như: ngô, khoai, sắn, lạc…
- Đất cát pha không bồi: gồm 187,55 ha. Do ngày trước, công tác thủy lợi hạn chế nên sản xuất trên vùng đất này rất khó khăn. Ngày nay, các công trình hồ, đập, kênh mương được nâng cấp, hàng năm có thể canh tác 2 vụ lúa năng suất cao.
- Đất bạc màu: chủ yếu là vùng đất nằm ở sườn đồi, chiếm phần nhỏ trong tổng diện tích đất ở Tây Thành. Trong những năm gần đây, xã đã giao cho  một số gia đình sử dụng để xây dựng mô hình kinh tế trang trại, hiện tại đang phát huy hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao.
- Đất Feralit: chiếm phần lớn trong tổng diện tích đất, phân bố ở vùng đồi và chân đồi. Đất feralit phù hợp trồng các loại cây lâu năm (cây công nghiệp và cây lấy gỗ). Hiện nay, hơn 918,75 ha đã được giao cho hộ và nhóm hộ gia đình sử dụng có hiệu quả.
  Mặc dù có diện tích đất nông nghiệp tương đối nhiều nhưng sản xuất ở Tây Thành có phần bị hạn chế, việc thâm canh tăng vụ khó khăn do thiếu nước. Diện tích đất rừng vẫn là thế mạnh của địa phương, việc triển khai trồng các loại cây nguyên liệu, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Tây Thành những năm gần đây.
Tài nguyên nước: Trên địa bàn xã không có con sông nào chảy qua song xã có 34 hồ, đập lớn nhỏ với tổng diện tích mặt nước là 30,21 ha. Tuy nhiên các hồ này phân bố không đều, nên không đủ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Người dân ở đây thường tận dụng diện tích mặt nước này để nuôi cá nước ngọt.
Tài nguyên rừng: Trước đây, rừng là nguồn tài nguyên tiềm năng của xã Tây Thành. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu… và các loại động vật: hổ, khỉ, gấu, nai, chim, gà ri… nhưng do quá trình dân di cư đến sinh sống, khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch nên diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Hiện nay, trên địa bàn xã Tây Thành có 1.046,25 ha đất lâm nghiệp, trong đó: rừng phòng hộ 471,7 ha, rừng trồng 574,55 ha. Toàn bộ diện tích rừng này đã giao cho hộ và nhóm hộ gia đình sử dụng. Xã Tây Thành hiện nay còn bảo tồn được khu rừng Dẻ nguyên sơ tại các xóm Châu Thành 1, Châu Thành 2 và Hậu Thành.
Nhìn chung, nguồn tài nguyên của xã không nhiều, chủ yếu là tài nguyên rừng vì thế, trong những năm gần đây Đảng ủy xã đã có nhiều chủ trương, biện pháp trong việc quản lý và khai thác rừng để bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế.
II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ THIẾT CHẾ XÃ HỘI TRONG LÀNG (XÓM)
1. Quá trình hình thành làng (xóm)
Theo nguồn tư liệu truyền miệng, trên vùng đất này xưa kia có một nhóm người dân tộc Thanh sinh sống nhưng sau này, do điều kiện khó khăn (đói rét, bệnh tật, thú rừng quấy nhiễu,…) họ đã di cư đến vùng khác (Nghĩa Dũng - Tân Kỳ). Hiện nay, cư dân Tây Thành hoàn toàn là người Kinh. Trong đó có 48% dân số theo đạo Thiên Chúa.
Trước năm 1945, xã Tây Thành ngày nay gồm 2 làng: Nguyệt Lạng, Ân Quang (Tràng Quao, Tràng Bù) thuộc tổng Vân Hội. Tháng 10 năm 1945, thực hiện chủ trương bỏ cấp tổng thành lập cấp xã, các làng Lai Thành, Đạo Đồng, Nguyệt Lạng, Ân Quang (Tràng Bù), Hậu Trạch, Trường Thịnh sáp nhập thành xã Vân Du. Tây Thành thuộc xã Văn Du. Ngày 06.11.1953, xã Văn Du được tách thành 2 xã: Thịnh Thành và Quang Thành (lớn). Quang Thành (lớn) gồm 4 làng cũ: Lai Thành, Đạo Đồng, Ân Quang, Nguyệt Lạng và có thêm hai làng mới là Đồn Kén, Trại Lưu (Hậu Thành). Ngày 01.7.1999, Chính phủ ra Nghị định 44/NĐ-CP về việc thành lập và chia tách một số xã ở huyện Yên Thành. Theo đó, xã Quang Thành lớn được chia tách thành 2 xã: Quang Thành (mới) và Tây Thành. Diện tích đất tự nhiên xã Tây Thành lúc chia tách: 2.071,79 ha, dân số 5.866 khẩu.
Qua nhiều lần tách nhập, đến nay xã Tây Thành có 16 xóm: Châu Thành 1, Châu Thành 2, Tân Thành, Hậu Thành 1, Hậu Thành 2, Ân Quang, Tiên Quang, Ân Tiên, Đồng Kén, Lê Lai, Rạng Đông 1, Rạng Đông 2, Thành Sơn, Khánh Thành, Trung Phong, Trung Tâm. Quá trình hình thành các làng xóm ở Tây Thành được thể hiện như sau:
Làng Nguyệt Lạng
Làng Nguyệt Lạng là một trong những làng lớn và cổ nhất của xã Tây Thành. Đến năm 1953, làng Nguyệt Lạng được chia thành hai làng: Châu Thành (nay là Châu Thành 1; Châu Thành 2) và làng Tân Thành.
 Làng Châu Thành
Theo gia phả của các dòng họ ghi lại, làng ra đời khoảng giữa thế Kỷ XVIII, hai dòng họ khai phá và lập làng đầu tiên là: họ Hoàng Văn (trước đây là Hoàng Đăng) và họ Trần Hữu. Họ Hoàng Văn có ông Mậu Nghiêm Hầu có công dẹp giặc Nguyễn Chỉnh ở Lèn Rỏi, được Nhà nước phong sắc và tặng thưởng 30 mẫu đất. Một thời gian sau, làng có thêm một số họ như: họ Thái, họ Nguyễn... đến sinh sống. Nhân dân trong làng sống quần cư, liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên những nét đẹp văn hóa. Giống như một số làng cổ khác ở Việt Nam, làng Châu Thành cũng có cây đa, bến nước, đình làng, lũy tre. Hiện nay, làng có một ngôi đình (Đình Lạng), 7 ngôi đền và 10 nhà thờ họ.
Cư dân của làng chủ yếu sản xuất nông nghiệp và buôn bán dịch vụ nhỏ. Giai đoạn (1953 - 1966), chợ Láng ở Lai Thành được chuyển về làng Châu Thành trở thành nơi giao lưu buôn bán của nhân dân trong vùng. Năm 1965 - 1966, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, một số hộ dân ở xã Thái Sơn, Yên Sơn (huyện Đô Lương) đã đến làng Châu Thành khai hoang và xây dựng vùng kinh tế mới. Đến năm 1998, do dân số tăng lên, làng Châu Thành được tách thành 2 làng nhỏ (nay gọi là xóm): Châu Thành 1 và Châu Thành 2.
Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Châu Thành có nhiều đóng góp: làng là cái nôi cách mạng của xã Văn Du trong phong trào cách mạng 1930 - 1931; là nơi đóng quân của một số đơn vị như: K5 trường văn hóa quân khu 4, đơn vị vận tải quân khu, đơn vị ra-đa…và cung cấp nhiều sức người, sức của cho 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với hơn 70 thanh niên tòng quân, hàng trăm người là dân quân du kích, dân công hỏa tuyến, có nhiều thương, bệnh binh, liệt sỹ. Năm 2001, làng Châu Thành 2 được công nhận “Làng văn hóa cấp Tỉnh”, 2015, làng Châu Thành 1 được công nhận là xóm văn hóa cấp huyện.
Làng Tân Thành
Tân Thành được tách ra từ làng Nguyệt Lạng. Dân cư của làng chủ yếu là đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Những gia đình đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này là ông Phan Văn Diễn (cùng 6 người con) và ông Nguyễn Văn Miêng (cùng 1 người con) có nguồn gốc từ làng Văn Trai, xã Long Thành.  Đến năm 1925, có thêm gia đình ông Nguyễn Trường Ảnh (huyện Tân Kỳ) đến, đưa tổng số hộ trong làng lên 6 hộ. Năm 1934, để phục vụ cho nhu cầu đi lễ, bà con giáo dân trong làng xây dựng nhà nguyện bằng tranh. Năm 1943, nhà nguyện được xây dựng thành nhà thờ mới. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, làng đón một số đơn vị hành quân về đứng chân, nhân dân trong làng đã tích cực đóng góp sức người, sức của tham gia chiến đấu: có 14 người tham gia tòng quân nhập ngũ, 2 liệt sỹ, 1 thương binh.

Làng Trại Lưu (nay là xóm Hậu Thành I, Hậu Thành II)
Trước kia, làng Trại Lưu là vùng đất hoang sơ, cây cối rậm rạp. Khoảng đầu thế kỷ XX, một bộ phận giáo dân của các xã Long Thành, Bảo Thành, Hợp Thành (huyện Yên Thành) và một số hộ dân ở huyện Anh Sơn đến đây khai khẩn đất đai, thành lập làng, lấy tên là Trại Lưu. Về sau, con cháu của các dòng họ: Nguyễn Văn, Nguyễn Tất, Nguyễn Đình, Phan Văn, Trần Văn, Hoàng Văn, Trịnh Văn … đến đây định cư. Đến năm 1939, số lượng giáo dân ngày càng tăng, để phục vụ nhu cầu đi lễ, bà con giáo dân nơi đây đã đóng góp, xây dựng nhà thờ giáo xứ Hậu Thành. 
Năm 1954, Trại Lưu được đổi tên thành làng Hậu Thành. Đến năm 1999, làng Hậu Thành tiếp tục được chia thành hai làng nhỏ: Hậu Thành I và Hậu Thành II.
Là làng giáo toàn tòng, trong các cuộc chiến tranh, làng Hậu Thành đã có những đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước với 4 liệt sỹ, 4 thương, bệnh binh… Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, con em Hậu Thành tiếp tục có nhiều đóng góp, sống “tốt đời đẹp đạo”.
Làng Tràng Bù (nay là làng Ân Quang)
 Trước đây, làng Tràng Bù là vùng rừng thiêng, nước độc, nhiều “chướng khí”. Vào cuối thế kỷ XIX, một số cư dân ở xã Hợp Thành (Yên Thành) và huyện Đô Lương đến đây khai khẩn đất đai lập làng lấy tên là Tràng Bù. Năm 1963, làng Tràng Bù đón thêm một số hộ dân của xã Long Thành, Viên Thành… lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Họ Phạm là dòng họ có công đến khai phá sớm nhất ở vùng đất này. Về sau, có thêm một số dòng họ khác như: họ Đặng, họ Nguyễn, họ Cao… Năm 1983, chợ Láng chuyển từ làng Cồn Đồn (xã Quang Thành) lên, đến nay chợ Láng đã được nâng cấp thành chợ nông thôn loại 2 của khu vực. Trong chợ có cây Đa cổ thụ, hiện đã được công nhận là: Di sản Quốc gia. Tuổi thọ của cây đã hàng trăm năm tuổi, thân cây to, đường kính khoảng 7 m, tán cây che khắp cả chợ. Phía dưới gốc cây nhân dân lập miếu thờ để thắp hương các ngày rằm, mùng một, cầu xin buôn may, bán đắt.
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, con em Tràng Bù đã tiếp bước cha anh lên đường tòng quân, góp sức mình bảo vệ đất nước; nhiều hộ gia đình như:  Phạm Nghĩa, Phạm Hạnh, Phạm Thế, Phạm Kim…đã nhường nhà cho bộ đội ở và đặt trụ sở làm việc của xã.
 Làng Tràng Quao (nay là làng Tiên Quang và Ân Tiên)
Trước kia, nơi đây là vùng đất hoang sơ, rừng thiêng nước độc, có nhiều động vật như: hổ (khái), gấu, lợn rừng, trăn... sinh sống. Đến cuối thế kỷ XIX, một số hộ dân từ huyện Đô Lương và xã Hợp Thành (Yên Thành) đến đây khai hoang, lập nghiệp, đặt tên là làng Tràng Quao. Các dòng họ gốc của làng có: Đặng Văn, Nguyễn Đình, Đào Văn, Lê Hồng… Năm 1963, thực hiện chủ trương di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng, một số hộ gia đình từ các xã Nhân Thành, Long Thành, Vĩnh Thành (huyện Yên Thành) đến đây sinh sống cùng dân bản địa khai phá đất rừng, khai cơ lập nghiệp. Làng được bổ sung thêm một số dòng họ như: Trần, Dương, Võ, Lê… Lúc này, làng được đổi tên thành làng Ân Tiên. Đến năm 1999, xã Tây Thành được thành lập, làng Ân Tiên tiếp tục được chia tách thành 2 làng: Tiên Quang và Ân Tiên. Hai làng đã được công nhận là làng văn hóa cấp huyện.
Trong 2 cuộc kháng chiến, làng Tràng Quao là nơi dừng chân của các đơn vị bộ đội. Nhân dân trong làng sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội, đồng thời đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến.
 Làng Đồn Kén (nay gọi là làng Đồng Kén và làng Lê Lai)
Trước kia, đây là vùng rừng thiêng nước độc, một bộ phận dân cư không rõ nguồn gốc đã lên đây cày trại. Năm 1911, có 6 gia đình ở xã Bảo Thành, Long Thành (huyện yên Thành) đã theo linh mục hạt Bảo Nham (là Cố Thông) lên đây định cư, học đạo và lập thành họ đạo gọi là họ Đồn Kén[2]. Năm 1916, các hộ giáo dân ở đây đã xây dựng nhà nguyện. Năm 1936, nhà Nguyện được nâng cấp thành nhà Thờ, rộng 168 mcó tháp chuông cao 15m (năm 1941 nhà thờ mới được xây xong).
Năm 2000, làng Đồn Kén được chia thành 2 làng: Lê Lai và Đồng Kén, hai làng Chung một nhà thờ họ giáo. Năm 2015, giáo họ Đồng Kén được tách từ giáo xứ Hậu Thành lập thành giáo xứ Đồng Kén độc lập.
Trong các cuộc kháng chiến, nhân dân Đồng Kén đã có những đóng góp về sức người, sức của cho đất nước. Nghề nghiệp chủ yếu của nhân dân hai xóm là sản xuất nông nghiệp nhưng vào lúc nông nhàn, người dân thường làm thêm bánh mướt và bánh xèo đem bán để tăng thêm thu nhập.
Làng Rạng Đông (nay gọi là xóm Rạng Đông 1 và Rạng Đông 2)
Làng Rạng Đông nằm ở phía Tây giáp với xã Giang Sơn Đông (huyện Đô Lương). Ngày xưa, đây là một vùng rừng núi rậm rạm, không có người sinh sống. Đầu năm 1963, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, một số cư dân của xã Long Thành lên đây khai hoang, xây dựng xóm làng gọi là Nông trang Rạng Đông. Về sau, số người đến đây ngày một đông, nông trang Rạng Đông được đổi thành làng Rạng Đông. Trong làng có các họ lớn như: Nguyễn Văn, Nguyễn Trạch, Nguyễn Công, Lê… Để thuận tiện cho công tác quản lý, năm 1997, làng Rạng Đông được chia thành 2 làng nhỏ: Rạng Đông I và Rạng Đông II. Các làng này đều đã được công nhận là làng văn hóa cấp huyện.
Trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ, làng Rạng Đông là nơi đóng quân của đơn vị sửa chữa quân khí, đơn vị tên lửa, đơn vị công binh cầu đường. Làng có 19 người con được công nhận là liệt sỹ, 8 thương bệnh binh và 12 người bị nhiễm chất độc Dioxin.
Ngày nay, nhân dân trong làng không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn làm nghề mộc và xuất khẩu lao động… Đời sống của nhân dân trong làng cao hơn so với các làng khác.   
Làng Thành Sơn
Năm 1963, thực hiện chính sách di dân của Đảng và Nhà nước, một số hộ dân ở xã Thái Sơn (huyện Đô Lương) đã về đây khai hoang lập thành nông trang Thành Sơn (thuộc huyện Đô Lương). Năm 1965, nông trang Thành Sơn được bàn giao cho xã Quang Thành  (huyện Yên Thành) và đổi tên là làng Thành Sơn, đến năm 1968, một số hộ gia đình ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) lên định cư, xây dựng vùng kinh tế mới. Trong làng có nhiều dòng họ như: Nguyễn Công (đã có nhà thờ), Nguyễn Duy, Phan Đức, Phan Văn, Hoàng Văn, Ngô Trí, Trần Đức, Nguyễn Phi, Nguyễn Quốc, Nguyễn Vĩnh, Nguyễn Hữu, Cao Văn, Mai Văn, Đặng Xuân…
Trong hai cuộc kháng chiến, cũng như các làng khác, những thanh niên của Thành Sơn hăng hái lên đường nhập ngũ, trong đó có 3 người hi sinh, nhiều người thương bệnh binh và nhiễm chất độc Dioxin.  
Làng Khánh Thành
Vùng đất làng Khánh Thành ngày nay xưa là nơi hoang vu, hẻo lánh. Năm 1974, Ủy ban hành chính và Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp xã Khánh Thành (huyện Yên Thành) đưa một số thanh niên lên khai hoang ở khu vực đồng Cây Da, Săng Đào (ngày nay) đặt tên là nông trang Khánh Thành(1) (thuộc sự quản lý của xã Khánh Thành). Đến cuối năm 1978, theo sự chỉ đạo của huyện Yên Thành, một số hộ dân của xã Khánh Thành tiếp tục được điều lên đây định cư, thành lập đội sản xuất (gọi là đội 3 gồm 36 người, vẫn thuộc xã Khánh Thành).
Năm 1980, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đội 3 được cắt về xã Quang Thành và giữ nguyên tên xóm Khánh Thành. Sau đó, làng Khánh Thành đón nhận thêm 25 hộ dân của làng Rạng Đông đến định cư. Hiện nay, làng Khánh Thành có các dòng họ: Nguyễn Đăng (gốc xã Khánh Thành), Thái Văn, Nguyễn Trạch, Nguyễn Đình (gốc xã Long Thành)…
Trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làng cũng là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội như đơn vị sửa chữa quân khí, đơn vị tên lửa, đơn vị công binh cầu đường. Không chỉ là hậu phương vững chắc, làng Khánh Thành còn có hàng chục thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó, 3 đồng chí hi sinh và 9 đồng chí là thương, bệnh binh.
Nhân dân xóm Khánh Thành quanh năm sống gắn liền với đồng ruộng. Họ sống đoàn kết, luôn nêu cao ý thức xây dựng xóm làng và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Ngày nay, ngoài hoạt động nông nghiệp là chính, nhiều người còn đi xuất khẩu lao động, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Làng đã được công nhận là làng Văn hóa cấp huyện.
Làng Trung Phong
Làng nằm ở gần khu vực trung tâm xã Tây Thành. Năm 1976, thực hiện chủ trương dời dân lên đồi để mở rộng diện tích canh tác, một số hộ giáo dân và lương dân thuộc xóm Thuần Trung, Tiên Long, Lê Hồng Phong (xã Quang Thành) đến vùng này khai khẩn đất đai lập thành làng Trung Phong. Họ đã cải tạo những vùng đất khô cằn thành những cánh đồng trồng màu. Đến nay, làng Trung Phong có 65% hộ là giáo dân, gồm các dòng họ: Nguyễn Văn, Trần Văn, Đặng Văn, Đặng Duy, Phan Văn, Hoàng Đình. Trong làng có một nhà thờ giáo họ Trung Thành. Tuy có các hộ lương, giáo cùng sinh sống nhưng nhân dân trong làng đã đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp.
 Làng Trung Tâm
Năm 2000, một số hộ dân thuộc các dòng họ: Thái Đình, Thái Bá, Nguyễn Đăng, Nguyễn Duy, Nguyễn Tất, Nguyễn Văn, Phan Văn, Trần Văn, Cao Đăng, Trần Danh, Họ Phạm… từ các nơi về quanh khu vực chợ Láng để buôn bán, mở rộng các ngành dịch vụ và sản xuất các mặt hàng thủ công. Năm 2003, dân số ngày càng đông, Đảng ủy đã quyết định thành lập làng Trung Tâm. Đến nay, làng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của xã Tây Thành.
2. Quan hệ xã hội và thiết chế làng xóm
Thời kỳ phong kiến, bộ máy hành chính của nước ta gồm 6 cấp: Trung ương, kỳ, tỉnh, huyện (phủ), tổng, làng. Làng là đơn vị hành chính cơ sở (cuối cùng), có tổ chức bộ máy quản lý gồm:
Bộ phận quản lí hành chính: có Lý trưởng (làng lớn có thêm Phó lý) và ngũ Hương (Hương bộ: coi việc sổ sách, khai sinh, khai tử, hôn thú, quản lý văn thư; Hương kiểm: trông coi việc trị an, tuần phòng; Hương bản: giữ quỹ và trông coi tài sản công; Hương mục: coi việc đê điều, đường sá; Hương dịch: coi việc tế lễ, đình đám của làng, mời làng đi họp). Các chức danh này do dân cử hoặc do quan trên bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 3 năm.
Hội đồng kỳ mục: bao gồm các quan, viên chức nghỉ hưu, các bậc khoa bảng đỗ đạt, những người có chức Cửu phẩm trở lên và Ngũ hương đã từ chức sau 3 năm làm việc. Đứng đầu Hội đồng kỳ mục là một hưu quan có chức vụ và phẩm hàm cao nhất. Tuy không nằm trong bộ máy hành chính Nhà nước nhưng Hội đồng kỳ mục có uy thế lớn trong làng, đóng vai trò trung gian giữa làng và nhà nước. Thực dân Pháp đã sử dụng tầng lớp này để cai trị nhân dân. Trên thực tế, Hội đồng kỳ mục làm cố vấn cho bộ máy hành chính đương nhiệm, là vũ khí thống trị của Nhà nước phong kiến thực dân.
Các dịch, mục làng: Đây là bộ phận thừa hành công việc của làng, không được Nhà nước thừa nhận. Bộ phận này bao gồm các chức dịch sau: Tri giáp, Tri xóm, Trùm dịch, Trương tuần.
Hương ước: Kèm theo các thiết chế nói trên là những quy định về nghĩa vụ và quyền lợi đối với từng thành viên, gọi là “Hương ước”. Hương ước quyết định phần lớn kỷ cương của mỗi thành viên trong xã hội đối với cộng đồng. Vì thế, nó đã góp phần duy trì thuần phong mỹ tục, đạo lý làm người, khuyến khích sản xuất, bảo vệ mùa màng và các mối quan hệ xã hội… Thời xưa, hương ước ở Tây Thành chỉ truyền miệng, về sau mới có văn bản rõ ràng. Hàng năm, vào dịp tế lễ Thành Hoàng đầu xuân, cuối buổi lễ, toàn văn Hương ước được đọc lại cho mọi người nghe để cùng nhau thực hiện.
Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, chế độ bóc lột hà khắc của chính quyền, sự nghèo đói, con người ngoài sự ràng buộc bởi mối quan hệ họ hàng còn có sự cố kết láng giềng để cùng nhau ổn định cuộc sống. Vì thế, các làng của Tây Thành cũng giống như nhiều địa phương khác ở thời kỳ này đã hình thành các phường, hội trong quan hệ làng, xã.
Đầu năm 1930, sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh của công - nông phát triển, từ cấp tổng và vùng, chúng còn đặt thêm chức Bang tá; ở các làng, xã, lập thêm các tổ chức như: Đoàn phu, Hội đồng hương chức, Hội đồng tộc biểu cốt để hạn chế phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân.
Cũng từ 1930, theo cách phân loại thành phần giai cấp của Đảng ở các địa phương cả nước nói chung và ở Tây Thành nói riêng gồm: địa chủ, phú nông, trung nông, bần nông, cố nông và tiểu tư sản trí thức (rất ít).
Con người Tây Thành không chỉ siêng năng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; kiên cường, anh dũng, mưu trí chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù xâm hại mà còn chất phác đôn hậu. Nét đẹp đáng quý ấy được hun đúc bởi truyền thống từ bao đời và được gìn giữ, truyền lại và phát huy để hướng tới tương lai bền vững cho quê hương, làng xóm của mình.

III. ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ VĂN HÓA TINH THẦN
1. Đời sống vật chất
Sinh sống trên vùng đất khô cằn, địa hình chia cắt, diện tích canh tác không tập trung, người dân nơi đây đã phải vươn lên để chế ngự thiên nhiên, dựa vào thời tiết, điều kiện đất đai để xây dựng cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng thích hợp. Các thế hệ người dân Tây Thành đã nối tiếp nhau khai hoang, cải tạo đồi núi, sông suối để phục vụ sản xuất và sinh sống.
Trước đây, hệ thống giao thông, thủy lợi chưa phát triển, công cụ lao động còn thô sơ, chủ yếu là các loại cày, bừa răng thưa làm bằng sắt hoặc tre; kéo cày bằng sức của trâu bò; vận chuyển giống, phân tro là đôi quang gánh. Bên cạnh canh tác lúa hai vụ chính thì người dân nơi đây trồng xen kẽ các loại cây màu như: lạc, đậu, khoai, sắn, bầu, bí,…Với diện tích sản xuất manh mún, các biện pháp canh tác còn lạc hậu nên năng suất lúa cũng như hoa màu thấp.
Những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân Tây Thành đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao vào sản xuất; thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và giải phóng sức lao động.
Với đặc điểm là xã miền núi, 2/3 diện tích rừng, cuộc sống con người gắn bó với rừng. Khi rừng còn nhiều muông thú, chim chóc, người dân Tây Thành có nghề săn bắn, đốt củi, đốt than, khai thác mây, tre, giang về đan lát,… Tuy nhiên, do con người khai thác quá mức nên tài nguyên rừng bị cạn kiệt. Ngày nay, rừng ở Tây Thành đang được quy hoạch, bảo vệ và chăm sóc chu đáo, góp phần phục vụ và bảo vệ cuộc sống của nhân dân.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây