I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lý
Tây Thành là xã miền núi nằm về phía Tây của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm huyện lỵ Yên Thành 19 km. Ranh giới hành chính Tây Thành được phân định như sau:
+ Phía Bắc giáp xã Kỳ Tân, Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.
+ Phía Nam giáp xã Thịnh Thành.
+ Phía Tây giáp xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương.
+ Phía Đông giáp xã Quang Thành.
Mặc dù là xã xa trung tâm huyện nhưng nhờ nằm trên trục đường Quốc lộ 48E, giáp ranh giữa ba huyện: Đô Lương, Tân Kỳ, Yên Thành nên Tây Thành có điều kiện thuận lợi để giao lưu, trao đổi hàng hóa phát triển kinh tế - xã hội.
2. Địa hình
Địa hình Tây Thành tương đối phức tạp: vừa có núi cao vừa có đồi thoải, xen kẽ giữa đồi núi là các khe, hồ, đập và những cánh đồng hóc chọ, ruộng bậc thang.
Đồi núi của xã có độ nghiêng từ Tây bắc sang Đông nam (từ núi Khu Gàu, Rạng Đông về dãy núi Động Cục). Cao nhất là núi Khu Gàu, là ranh giới giữa xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) và xã Tây Thành. Do địa hình phức tạp, đồi núi nhiều cây cối nên trong chiến tranh, vùng đất này là chỗ đừng chân của các đơn vị bộ đội trên đường hành quân vào Nam và là nơi cất giấu lương thực, vũ khí an toàn.
Xen giữa các đồi núi là những cánh đồng: Đồng Xạ, Đồng Eo, đồng Ốc Bươu, Đồng Quan... nhân dân sử dụng trồng lúa. Một số diện tích ven chân đồi, núi dùng để trồng các loại cây hoa màu như: khoai, sắn, đậu, lạc, vừng… Trước đây, những vùng đất này có nơi bi chua phèn, lầy lội, có nơi lại khô cằn không đủ nước tưới nên năng suất cây trồng thấp. Tuy nhiên, qua nhiều năm cải tạo và sau hai lần chuyển đổi ruộng đất, đến nay ruộng đồng ở Tây Thành tương đối hoàn chỉnh; hệ thống hồ đập, mương máng được xây dựng đã đáp ứng cơ bản nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp nên nhân dân đã tự túc được lương thực.
Với điều kiện đất đai, địa hình, khí hậu như vậy, Tây Thành có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả lâu năm như: cam, xoài, mít, bưởi… Vùng cao hơn có thể trồng các loại cây nguyên liệu và cây lấy gỗ như: keo, lim, lát và các loại cây dược liệu khác.
3. Khí hậu
Là một xã thuộc vùng núi của huyện Yên Thành, nằm trong tiểu vùng khí hậu Bắc Trung bộ, Tây Thành chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm; mỗi năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông; số giờ nắng trung bình 1.637 giờ/năm, nhiệt độ trung bình là 23,60C, lượng mưa trung bình 1.578 mm. Trên cơ sở 3 tiêu chí: chế độ gió mùa, chế độ nhiệt và chế độ mưa, có thể phân khí hậu Tây Thành thành hai mùa:
Mùa nóng (bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10): khí hậu nóng nực, nhiệt độ trung bình từ 300C đến 350C, có ngày lên tới 400C. Mùa này chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam (thường gọi là gió Lào thổi vào từ vịnh Thái Lan) và gió Đông Nam (gió Nồm) thổi vào từ biển Đông. Gió Lào thường hoạt động từ tháng 5 đến tháng 9, mạnh nhất là vào các tháng 6, 7, thổi thành từng đợt, mỗi đợt kéo dài 4 đến 5 ngày. Gió Lào kết hợp với nắng nóng làm cho không khí trở nên oi nồng, gay gắt và thường gây ra khô hạn, nhất là thời gian trước đây, khi hệ thống thủy nông chưa có. Gió Đông Nam thổi từ biển vào mang theo nhiều hơi nước tạo không khí mát mẻ, dễ chịu và thường có sự xen kẽ giữa gió Đông Nam và gió Tây Nam; trong ngày có lúc sớm Nam, trưa Nồm. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện bão lũ do ảnh hưởng của những đợt áp thấp nhiệt đới. Bão vào kèm theo mưa to kéo dài; những đợt gió lớn, lốc xoáy gây tổn thất nặng nề cho sản xuất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Hạn hán, lũ lụt xảy ra bất thường, có năm xảy ra vào tháng 5 âm lịch, có năm vào tháng 7, tháng 8, có khi đang chống hạn mưa lũ lại ập đến…
Mùa lạnh (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau): mùa này chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, gây mưa phùn và giá rét. Ban ngày, trời đầy mây, buổi sáng thường có sương mù, sương muối. Nhiệt độ xuống thấp vào tháng 12 và tháng Giêng. Có năm nhiệt độ xuống đến 100C gây rét đậm, rét hại. Kết hợp với gió mùa Đông Bắc, thường có hiện tượng heo may gây cảm giác khô - hanh.
Nhìn chung, Tây Thành có lượng bức xạ lớn, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển. Mặt khác, do địa hình nhiều đồi núi xã có điều kiện để phát triển nền kinh tế đa dạng với nhiều loại hình: nông nghiệp, lâm nghiệp và xen kẽ là mô hình kinh tế trang trại và gia trại, nông - lâm - ngư kết hợp. Tuy nhiên, đặc điểm thời tiết này cũng tạo thuận lợi cho côn trùng, sâu bệnh sinh sôi, nẩy nở gây hại cho sản xuất cũng như những khó khăn nhất định cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày.
4. Tài nguyên
Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của Tây Thành là 2071,79 ha. Trong đó, đất sản xuất có 2056,02 ha, chiếm 99,2%, bao gồm: đất nông nghiệp và lâm nghiệp (chiếm 1.777,06 ha), đất phi nông nghiệp là 278,96 ha (chiếm 13,46%); đất chưa sử dụng còn rất ít, chỉ 15,77 ha (chiếm 0,99%). Dựa vào tính chất đất ở Tây Thành có thể chia thành 4 nhóm thổ nhưỡng chính:
- Đất thịt và đất cát nhẹ: Đây là loại đất màu mỡ, có độ phì nhiêu cao, phù hợp với sản xuất các loại cây lương thực. Nhân dân trong vùng, ngoài việc thâm canh 2 vụ lúa thì còn có thể canh tác các loại hoa màu như: ngô, khoai, sắn, lạc…
- Đất cát pha không bồi: gồm 187,55 ha. Do ngày trước, công tác thủy lợi hạn chế nên sản xuất trên vùng đất này rất khó khăn. Ngày nay, các công trình hồ, đập, kênh mương được nâng cấp, hàng năm có thể canh tác 2 vụ lúa năng suất cao.
- Đất bạc màu: chủ yếu là vùng đất nằm ở sườn đồi, chiếm phần nhỏ trong tổng diện tích đất ở Tây Thành. Trong những năm gần đây, xã đã giao cho một số gia đình sử dụng để xây dựng mô hình kinh tế trang trại, hiện tại đang phát huy hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao.
- Đất Feralit: chiếm phần lớn trong tổng diện tích đất, phân bố ở vùng đồi và chân đồi. Đất feralit phù hợp trồng các loại cây lâu năm (cây công nghiệp và cây lấy gỗ). Hiện nay, hơn 918,75 ha đã được giao cho hộ và nhóm hộ gia đình sử dụng có hiệu quả.
Mặc dù có diện tích đất nông nghiệp tương đối nhiều nhưng sản xuất ở Tây Thành có phần bị hạn chế, việc thâm canh tăng vụ khó khăn do thiếu nước. Diện tích đất rừng vẫn là thế mạnh của địa phương, việc triển khai trồng các loại cây nguyên liệu, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Tây Thành những năm gần đây.
Tài nguyên nước: Trên địa bàn xã không có con sông nào chảy qua song xã có 34 hồ, đập lớn nhỏ với tổng diện tích mặt nước là 30,21 ha. Tuy nhiên các hồ này phân bố không đều, nên không đủ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Người dân ở đây thường tận dụng diện tích mặt nước này để nuôi cá nước ngọt.
Tài nguyên rừng: Trước đây, rừng là nguồn tài nguyên tiềm năng của xã Tây Thành. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu… và các loại động vật: hổ, khỉ, gấu, nai, chim, gà ri… nhưng do quá trình dân di cư đến sinh sống, khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch nên diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Hiện nay, trên địa bàn xã Tây Thành có 1.046,25 ha đất lâm nghiệp, trong đó: rừng phòng hộ 471,7 ha, rừng trồng 574,55 ha. Toàn bộ diện tích rừng này đã giao cho hộ và nhóm hộ gia đình sử dụng. Xã Tây Thành hiện nay còn bảo tồn được khu rừng Dẻ nguyên sơ tại các xóm Châu Thành 1, Châu Thành 2 và Hậu Thành.
Nhìn chung, nguồn tài nguyên của xã không nhiều, chủ yếu là tài nguyên rừng vì thế, trong những năm gần đây Đảng ủy xã đã có nhiều chủ trương, biện pháp trong việc quản lý và khai thác rừng để bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế.