Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2024
Tết Trung thu đang đến gần, như chúng ta thấy bánh trung thu luôn là món ăn truyền thồng trong ngày tết trung thu. Vì vậy nhu cầu tiêu dùng với các sản phẩm bánh kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng cao. Đối với các em nhỏ, đặc biệt được bố mẹ mua cho những chiếc bánh trung thu với hình những con vật ngộ nghĩnh làm cho các em cảm thấy vui sướng và thích thú. Nhằm vào thị hiếu của trẻ em, nhiều cơ sở sản xuất các loại bánh hình các con vật nhiều màu sắc từ các loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người ăn.
Do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao, nên năm nào vào dịp nầy cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất. Bên cạnh các cơ sở có đăng ký đầy đủ thủ tục an toàn thực phẩm đảm bảo được quy trình sản xuất an toàn cho các loại bánh; còn có những cơ sở nhỏ, thủ công không đủ điều kiện an toàn thực phẩm (kinh doanh online với danh nghĩa bánh nhà làm) đã cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không đảm bảo, cơ sở chật hẹp, nhân viên không được kiểm tra sức khỏe, nặn bánh trực tiếp bằng tay chưa rửa sạch, sử dụng các loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế gây độc hại cho người ăn.
Nguyên liệu làm nhân bánh Trung thu thường có trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xườn...là những thứ dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển.
Do điều kiện môi trường, khí hậu nóng, nhiều khói bụi, giấy bao gói chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh, lưu thông phân phối đi nhiều vùng xa xôi.....nên bánh Trung thu dễ bị ô nhiễm, biến tính, dễ hư hỏng ở bên trong mà chưa thể hiện ra ngoài vỏ bánh.
Tuy các loại bánh trung thu không đảm bảo an toàn ăn vào không gây ngộ độc cấp, nhưng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến các cơ quan nội tạng như gan, thận. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Chúng ta cần có các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm để mọi người cùng đón một cái Tết Trung thu an lành và đầm ấm.
* Các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm khi mua bánh trung thu.
- Bánh trung thu ngon, còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không nhớt.
- Nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không ham rẻ mà mua những sản phẩm không có nhãn mác, xuất xứ.
- Nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng; không sử dụng bánh đã mốc, hỏng.
- Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, theo đúng quy định ghi trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Bánh Trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn.
- Rửa tay sạch trước khi cắt, trước khi ăn bánh. Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống nên nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cứu chữa kịp thời.
Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa trung thu, người tiêu dùng là một nhân tố quan trọng có tính quyết định. Mỗi người hãy trở thành" Người tiêu dùng thông thái": biết cách chọn mua và sử dụng bánh trung thu đảm bảo chất lượng.