Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người cộng sản tận tụy, quyết liệt, kiên trung và liêm khiết
- Trong suy nghĩ của tôi và nhiều người dân Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người lãnh đạo tận tụy vì nước vì dân, người cộng sản kiên trung, chân chính, cực kỳ liêm khiết; một hình mẫu cho phong cách lãnh đạo giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của nhân dân; là một người mà cả cuộc đời dành hết sức mình cho công cuộc xây dựng Đảng vì đất nước hùng cường và thịnh vượng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ vai trò là hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng
Người cộng sản kiên trung, gần dân và liêm khiết
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương xúc động: "Với tôi, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong mọi hoàn cảnh luôn là người có bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản kiên cường, kiên định. Cả cuộc đời của đồng chí luôn giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng. Ở đồng chí có tính tiền phong, gương mẫu và cực kỳ liêm khiết".
Trải qua nhiều cương vị quan trọng do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó như: Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá VII đến khóa XIII; Uỷ viên Bộ Chính trị từ khoá VIII đến khóa XIII; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước; Tổng Bí thư từ khoá XI đến khóa XIII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhưng với ý chí vươn lên, học hỏi không ngừng nghỉ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trở thành một vị Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học mang khả năng lý luận sâu sắc và nguồn tri thức uyên bác của mình để phục vụ cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân đến giây phút cuối cùng.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã thể hiện rõ vai trò là hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, qua đó đã tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị với tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Đồng chí đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng cao, càng bền vững.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành hạt nhân trung tâm của sự đoàn kết và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn với phòng chống tiêu cực. Ảnh: VGP/Giang Oanh
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn cho biết: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có 29 năm làm việc ở Tạp chí Cộng sản - cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị và tuyên truyền lý luận chính trị hàng đầu của Đảng. Ở đây, đồng chí đã làm các công việc từ biên tập viên, rồi lên đến Phó ban, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Năm 1996, đồng chí chuyển công tác từ Tạp chí Cộng sản để sang các cơ quan khác nhận các nhiệm vụ cao hơn, nhưng chưa bao giờ đồng chí xa rời công tác lý luận. Bởi theo đồng chí, ngọn cờ lý luận của Đảng sẽ giúp xác định được tầm nhìn chiến lược của Đảng và của dân tộc. Trong công tác lý luận cần coi trọng tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Đồng chí cũng thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí đã nhấn mạnh, đó là nguyên tắc cơ bản, nền tảng vững chắc của Đảng, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, dân tộc ta, "không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động".
Cùng làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm, ấn tượng của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn về con người và cuộc sống đời thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bên cạnh những đức tính như giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của dân và có một trái tim vô cùng nhân hậu, thì đồng chí Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo cực kỳ liêm khiết.
"Gia đình đồng chí Nguyễn Phú Trọng có 4 người. Mặc dù nhiều tuổi nhưng vợ chồng đồng chí sống rất giản dị, liêm khiết, không thuê người giúp việc. Chị Mận - vợ của đồng chí - một cán bộ công an đã về hưu, rất cần mẫn, chăm chỉ việc nhà, chăm lo, sắp xếp để chồng yên tâm công tác. Hai người con của đồng chí đã có gia đình riêng, bản thân các cháu và con dâu, con rể có chuyên môn rất giỏi, hiện làm công việc tốt ở những đơn vị bình thường. Quan điểm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là "công việc của các con, các con phải tự lo lấy, tự chịu trách nhiệm với bản thân và tự khẳng định mình". Trong công tác công vụ, đồng chí nhận đúng mức lương mà Nhà nước chi trả, nhất quyết không nhận thêm "một xu, một hào" nào ngoài chế độ", GS.TS. Tạ Ngọc Tấn chia sẻ.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn
Bên cạnh những đức tính như giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của dân và có một trái tim vô cùng nhân hậu, thì đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cực kỳ liêm khiết.
Với góc nhìn của những người đồng chí cùng làm việc trong Hội đồng Lý luận Trung ương nhiều năm, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người rất tình cảm. "Đồng chí sống rất gắn bó với anh em và quan tâm đến từng việc nhỏ một. Lần nào gặp những đồng nghiệp cũ, đồng chí cũ, anh Trọng đều quan tâm hỏi "Mọi người trong gia đình có khỏe không? Các cháu đang làm việc ở đâu". Rồi mỗi khi Tết đến, chúng tôi đều nhận được món quà của đồng chí, khi thì gói kẹo nhỏ, khi thì lạng chè xanh. Đấy là những thứ tình cảm mà chúng tôi vô cùng trân trọng và yêu quý từ người đồng chí của mình", GS.TS. Tạ Ngọc Tấn xúc động.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần dân, sát dân, vì lợi ích của dân
Sự giản dị của Tổng Bí thư còn được thể hiện qua những lời nói đầy cứng rắn nhưng cũng vô cùng khiêm tốn. GS.TS Tạ Ngọc Tấn dẫn chứng: "Chúng ta có thể nhắc đến những lời phát biểu trước Quốc hội khi nhậm chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đã nhắc nhớ về cảm giác khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội với hai câu thơ: "Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay." Chỉ với hai câu thơ cũng đủ cho thấy đồng chí Tổng Bí thư luôn khiêm tốn trước khả năng của mình, không dám nghĩ những điều quá lớn lao, chỉ mong hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó như lời Tổng Bí thư tuyên thệ. Hay khi tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, với sự tín nhiệm gần như tuyệt đối, Tổng Bí thư đã chia sẻ "Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành". Ở đây, chúng ta đều thấy, lòng tự trọng của một người lãnh đạo, nhưng cũng vẫn phải làm tròn trách nhiệm của một người Đảng viên được Đảng phân công".
"Trong công việc, Tổng Bí thư cũng là người cực kỳ nghiêm khắc. Tôi nhớ có lần vào đầu những năm 90, đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch một hội đồng nghiệm thu một đề tài cấp Bộ ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, do người viết chuẩn bị chưa kỹ nên còn một số lỗi kỹ thuật như sai chính tả, vài nội dung trùng lắp giữa hai phần nên xin lỗi với lý do quá vội. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: "Làm khoa học thì phải hết sức nghiêm túc, nếu không để ý đến những lỗi nhỏ thì sẽ dẫn đến lỗi lớn và chuyện đó không thể thanh minh được. Và khi có lỗi thì phải nhận lỗi để sửa, không nên viện vào lý do nào khác". Sau này, khi chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, đồng chí rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn", GS.TS. Tạ Ngọc Tấn chia sẻ.
Quyết liệt trong công cuộc "đốt lò"
Trong suốt hai nhiệm kỳ Trung ương Đảng Khóa XII và XIII gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành hạt nhân trung tâm của sự đoàn kết và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn với phòng chống tiêu cực.
Trên cương vị là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh, việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt. Đồng chí luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phải lấy "an dân làm cốt, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sự đồng thuận của nhân dân", sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, từ đó góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, văn minh và vững mạnh.
Không lấy bản thân mình, gia đình mình làm tấm gương thì sao "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" được. Chính sự gương mẫu, quyết liệt, "nói đi đôi với làm", "làm đi đôi với nói" của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt là sự bảo đảm về mặt chính trị và tạo động lực to lớn cho công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn cho rằng, để tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đồng chí đã lưu ý một số bài học kinh nghiệm và truyền thống của dân tộc. Đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí...
Trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn với phòng chống tiêu cực, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã được tiến hành rất bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ và thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Chúng ta đã có những hình thức xử lý mới để làm sao vừa thu hồi tài sản nhà nước được nhiều hơn, vừa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra là tốt nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hạt nhân trung tâm của sự đoàn kết và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn với phòng chống tiêu cực
"Quan điểm của đồng chí là "Cách mạng là vì dân lo cho dân! Chống tham nhũng, tích cực "đốt lò" trước hết là vì dân, vì nước…". Và ngọn cờ chống tham nhũng do Đảng phát động và "người cầm lái" vững vàng đã đặt quyết tâm chính trị cao nhất cho cuộc chiến sinh tử để bảo vệ chế độ, giữ vững niềm tin trong nhân dân", GS.TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.
Và chúng ta đã thấy, 12 năm qua, kể từ khi chuyển đổi mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng từ Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu sang mô hình Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, nhân dân đã thấy một "diện mạo mới" trong công cuộc làm trong sạch đảng, trong sạch đội ngũ. Những người thoái hóa, biến chất, bất kể ai, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị đương chức, kể cả sai phạm đã xảy ra từ lâu, bất kể ngành nghề công tác hay trình độ học vấn… cứ đi ngược lại lời thề trước Đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc, lo vun vén cho bản thân và nhóm lợi ích, làm thất thoát tiền của Nhà nước, vi phạm quy định của pháp luật… đều bị xử lý theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Và câu nói "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên…" của đồng chí Tổng Bí thư là hình ảnh sinh động, dân dã mà người đứng đầu Đảng ví von về công cuộc chống tham nhũng đã trở thành một câu nói phổ biến trong nhân dân.
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn khẳng định: "Chúng ta đã thấy cuộc chiến chống tham nhũng đã có kết quả tích cực. Kết quả này không thể tách rời tài năng, bản lĩnh, phẩm cách, đạo đức của "người đốt lò". Không liêm chính, không trong sạch thì trên bảo dưới không nghe. Không lấy bản thân mình, gia đình mình làm tấm gương thì sao "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" được. Chính sự gương mẫu, quyết liệt, "nói đi đôi với làm", "làm đi đôi với nói" của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt là chỗ dựa vững chắc, là sự bảo đảm về mặt chính trị và tạo động lực to lớn cho công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực thành công, được nhân dân tin cậy và ủng hộ".
Tuy nhiên, với tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư, Đảng ta luôn thực hiện đồng bộ "xây" và "chống". "Xây" là phải rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp vừa "hồng" vừa "chuyên", đủ năng lực ngang tầm nhiệm vụ; là xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. "Xây" cũng đòi hỏi phải tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh do đại hội đảng bộ các cấp đề ra. "Chống" là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Là phê phán, xử lý nghiêm những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, hoặc không dám đương đầu với khó khăn, thách thức. Là kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân nào có hành vi không lành mạnh, nâng cao tính cảnh tỉnh, răn đe đối với những tư tưởng, biểu hiện tiêu cực.
"Xây" phải thực sự tốt, Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh thì "chống" mới hiệu quả. Ngược lại, "chống" phải tốt, Đảng mới trong sạch, vững mạnh. "Xây và chống có mối quan hệ biện chứng, là hai mặt của một vấn đề xây dựng Đảng. Hai nhiệm vụ phải tiến hành đồng bộ, thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ, trong đó, người đứng đầu giữ vai trò quan trọng bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Hơn nữa, xây dựng Đảng trong mối quan hệ chặt chẽ với chống tham nhũng, tiêu cực cũng chính là thể hiện một yêu cầu có tính nguyên tắc đối với một đảng cách mạng kiểu mới, cũng chính là cách để bảo vệ và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ vững mạnh", GS.TS. Tạ Ngọc Tấn chia sẻ thêm về quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng và xây dựng Đảng đang được Nhân dân hết sức quan tâm./.
Giang Oanh ( Báo điện tử Chính phủ)